Giao dịch với chi nhánh và văn phòng đại diện

Tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có quyền thành lập chi nhánh và văn phòng đại diện. Chi nhánh và văn phòng đại diện đều là các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và phải mang tên của doanh nghiệp.

Ví dụ: Một chi nhánh tại Vũng Tàu và Tên của chi nhánh: Chi nhánh công ty cổ phần XYZ tại Vũng Tàu.

Một văn phòng đại diện tại Cần Thơ và Tên của văn phòng đại diện: Văn phòng đại diện công ty cổ phần XYZ tại Cần Thơ.

Chi nhánh

Về hoạt động kinh doanh, chi nhánh được thực hiện các hoạt động có mục đích sinh lời trong phạm vi những ngành, nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, không phải bất cứ ngành, nghề nào được đăng ký bởi doanh nghiệp, chi nhánh cũng được phép hoạt động. Việc chi nhánh được thực hiện toàn bộ hay chỉ một phần chức năng là tùy theo sự ủy quyền của doanh nghiệp

Về thẩm quyền đại diện, cần phân biệt rõ thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và thẩm quyền của giám đốc chi nhánh. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quyền điều phối toàn bộ vấn đề liên quan đến chi nhánh, kể cả vấn đề đại diện. Tức là, bất cứ hoạt động kinh doanh nào chi nhánh muốn thực hiện cũng phải xin phép sự đồng ý từ phía doanh nghiệp, giám đốc chi nhánh không đương nhiên có thẩm quyền đại diện cho chi nhánh, mà quyền này chỉ phát sinh khi có sự ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Ngoài ra, bất cứ lúc nào, người đại diện của doanh nghiệp cũng có thể hủy bỏ sự ủy quyền nói trên.

Về tài chính, chi nhánh không độc lập về tài chính đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động của chi nhánh. Chi nhánh có thể hạch toán kế toán độc lập hoặc phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Văn phòng đại diện

Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp theo uỷ quyền và bảo vệ các quyền và lợi ích đó. Tức là, văn phòng đại diện được lập ra với chức năng là văn phòng liên lạc; thực hiện hoạt động nghiên cứu, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thị trường và đối tác mới; văn phòng có thể tiến hành rà soát thị trường, phát hiện hành vị xâm phạm sở hữu trí tuệ của của công ty, hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp đối thủ; đại diện công ty khiếu kiện về sự vi phạm nói trên…

Ngoài ra, văn phòng đại diện không được thực hiện các hoạt động kinh doanh sinh lời nào khác. Riêng về việc ký kết hợp đồng của văn phòng đại diện thì phải theo ủy quyền của doanh nghiệp và đóng dấu doanh nghiệp đó, văn phòng đại diện không có quyền tự nhân danh mình ký kết hợp đồng riêng. Doanh nghiệp chịu tất cả các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động của văn phòng đại diện. Việc hạch toán của VPĐD là phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Trên thực tế, sự nhầm lẫn giữa chi nhánh và văn phòng đại diện vẫn hay xảy ra. Có hai điểm khác biệt chính được dùng để phân biệt hai hình thức này đó là: chi nhánh có thể thực hiện các hoạt động sinh lời, có thể được hạch toán kế toán độc lập với doanh nghiệp; còn văn phòng đại diện thì không được phép làm như vậy.

Nếu so sánh với các vài trò, chức năng nêu trên thì văn phòng đại diện và chi nhánh của thương nhân nước ngoài mang một số điểm đặc trưng hơn bởi đặc điểm có yếu tố nước ngoài, cũng như có tính chất thương mại theo đúng bản chất của văn bản pháp luật điều chỉnh.

Chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền thuê mướn người lao động là người Việt Nam, mở tài khoản ngân hàng trong nước sở tại và thuê mướn địa điểm.

Theo nghị định 72/2006 văn phòng đại diện có các chức năng chi tiết sau: Thực hiện chức năng của một văn phòng lên lạc, xúc tiến xây dựng dự án hợp tác, đốc thúc việc thực hiện các hợp đồng đã được ký kết cũng như thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi được luật cho phép.

Như vậy, sau khi điểm qua những nét cơ bản về văn phòng đại diện và chi nhánh cũng như thấy được sự khác nhau giữa chúng, điểm mà chúng ta cần lưu ý khi tiến hành giao dịch với hai hình thức này, đó chính là thẩm quyền giao kết hợp đồng.

Mục đích văn phòng đại diện này được thành lập là hỗ trợ cho việc kinh doanh của doanh nghiệp, do đó các tranh chấp cũng chủ yếu phát sinh từ điểm này. Văn phòng đại diện và chi nhánh của thương nhân nước ngoài không có tư cách pháp nhân, tức là các hình thức này không thể tự nhân danh mình tham gia vào các quan hệ dân sự và tự chịu trách nhiệm phát sinh từ các hoạt động của mình, cần nhấn mạnh rằng các hình thức này không độc lập về tài chính.

Hợp đồng ký kết với các hình thức này như đã nêu ở trên là nhân danh thương nhân. Trong quá trình thảo luận và tiến hành ký kết hợp đồng với văn phòng đại diện, bên đối tác cần phải yêu cầu bên văn phòng này xuất trình giấy ủy quyền hợp pháp từ doanh nghiệp, thương nhân. Giấy ủy quyền này phải ghi rõ về nội dung ký kết. Phải chắc chắn rằng nội dung này liên quan trực tiếp đến hợp đồng đang được tiến hành ký kết.

Đối với chi nhánh, những hợp đồng và giao dịch thuộc phạm vi kinh doanh được ủy quyền của doanh nghiệp thì chi nhánh có quyền ký kết dưới tên của doanh nghiệp.Tuy nhiên, với các hợp đồng nằm ngoài phạm vi kinh doanh được ủy quyền, thì yêu cầu phải có giấy ủy quyền tương tự như với văn phòng đại diện. Đặc biệt các hợp đồng công ty nước ngoài thường mang giá trị lớn, một số tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế có thể còn dẫn đến xung đột pháp luật…Nên việc phát sinh tranh chấp sẽ rất khó giải quyết và có thể sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Trên thực tế, các bên có thể lợi dụng điểm này để hưởng lợi nên rất nhiều tranh chấp đã phát sinh từ vấn đề thẩm quyền này vì nếu hợp đồng được ký kết trên cơ sở không có thẩm quyền hợp pháp, thì khi xảy ra tranh chấp, nguy cơ bị bị tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu là rất cao. Điều này sẽ dẫn tới hậu quả là các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, gây ảnh hưởng lớn tới tài chính cũng như uy tín của bên đối tác.

Nếu tranh chấp không may phát sinh, với những tranh chấp thuộc nội dung ủy quyền thì thương nhân nước ngoài là chủ thể chịu trách nhiệm. Nhưng nếu trong trường hợp chi nhánh hay văn phòng đại diện tự ý vượt quá thẩm quyền của mình trong việc  ký kết các hợp đồng không thuộc lĩnh vực kinh doanh đã đăng ký của doanh nghiệp, thương nhân thì người chịu trách nhiệm là giám đốc chi nhánh và trưởng văn phòng đại diện.

Ngoài lưu ý quan trọng về thẩm quyền nêu trên khi tham gia giao dịch và ký kết hợp đồng với chi nhánh, văn phòng đại diện, cần tham khảo về điều lệ, quy chế công ty của các doanh nghiệp thành lập để hiểu rõ hơn về thẩm quyền và hoạt động của chủ thể này, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình.

Giao dịch với chi nhánh và văn phòng đại diện
Scroll to top